Sunday, August 31, 2014

Sư tử Việt và những nét khác biệt với sư tử đá Trung Quốc

Chỉ trong khoảng chừng 10 năm lại đây, sự sinh sôi nảy nở của những con sử tử đá Trung Hoa trở thành một trọng những vấn đề tranh luận sôi nổi trên báo chí. Từ góc nhìn văn hóa biểu tượng, chúng ta thấy không gian tín ngưỡng cổ truyền đã định hình qua nhiều thế kỷ đang bị lai căng, pha tạp và biến dạng.

Việc các cơ quan quản lý đã có hành động kiên quyết xử lý cặp sư tử đá ở chùa Một Cột, chùa Trung Kính Thượng (Hà Nội), đền Đô (Bắc Ninh)… được sự đồng thuận từ các nhà nghiên cứu, các cấp chính quyền và người dân. Tuy vậy, vấn nạn sư tử đá ngoại lai tràn vào không gian tâm linh cổ truyền của người Việt có căn nguyên từ sự thiếu hiểu biết về hệ thống các biểu tượng cổ truyền trong văn hóa Việt.

Từ góc độ nghiên cứu so sánh, chúng tôi xin được trình bày có hệ thống hình tượng sư tử trong nghệ thuật tạo hình cổ truyền Việt Nam trên bình diện khu vực. Trước hết là những đặc điểm tạo hình cơ bản của sư tử Việt.

Sư tử  chùa Hương Lãng thời Lý
Sư tử  chùa Hương Lãng thời Lý

Li Zhigang (Lý Chi Cương) là tác giả của công trình nghiên cứu công phu về sư tử đá từ cổ tới kim trong mỹ thuật Trung Hoa. Về hình tượng này, ông rút ra những đặc điểm tiêu biểu như sau: “Tạo hình của sư tử đá Trung Hoa là đầu to, thân vạm vỡ, tỷ lệ ước 1:3, ngực nở, chân mập, móng có vuốt sắc nhọn, lông đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá, ức có lông, hàm có râu, con đực đầu có bờm. Lưng có dải băng hoặc lông dài phủ kín, đuôi cũng có nhiều dạng hoặc hình chiếc lá, hình như bàn tay hoặc như búi sợi tơ, lông trước cổ xoăn, giữa ức đeo lục lạc, điểm xuyết sợi anh lạc, có đai gấm. Sư tử đực đạp cầu, sư tử cái nô đùa với con”.

So với các nước trong khu vực, đồ án sư tử Việt Nam xuất hiện trong nghệ thuật tạo hình tương đối muộn. Gắn bó với Phật giáo, sư tử Việt chủ yếu xuất hiện thời Lý-Trần và gần như vắng bóng trong các triều đại sau đó. Ngay cả trong những giai đoạn văn hóa cung đình Trung Hoa có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới mỹ thuật Việt Nam như thời Lê Sơ và thời Nguyễn.

Đôi sư tử vờn ngọc chùa Phật Tích
Đôi sư tử vờn ngọc chùa Phật Tích

Đặc trưng khái quát của tạo hình sư tử Việt là hàm răng có số lượng lớn. Những quái vật, ác thú thường được mô tả, khắc họa với những chiếc răng to và rất thưa. Bề mặt răng rất bằng phẳng, thậm chí nếu nhìn kỹ, những chiếc răng lại có hoa văn ở bên trong. Nhưng răng nanh sư tử Việt thời Lý đa phần đã không những không nhọn sắc mà lại thường thiếu hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên. Cách xử lý răng như vậy, người Việt học tập từ đồng bào Chăm. Hầu hết các tượng sư tử của Trung Quốc đều có một hàm răng với những chiếc răng nanh lởm chởm và nhọn sắc.

Có thể nhận ngay ra đặc điểm thứ hai của sư tử thời Lý Trần là không phô diễn sức mạnh hình thể. Đặc điểm cơ bắp của sư tử được thể hiện rất rõ trong nghệ thuật điêu khắc đá Trung Hoa hay Chàm. Các con sư tử (Trung Quốc) bao giờ cũng phô trương bằng cách dướn người ra phía trước, lộ rõ một khối ức vạm vỡ. Tiếp theo ngực, một bộ phận được nhấn mạnh nữa là bắp chân. Nhưng cả hai bộ phận này đều bị triệt tiêu trong cách thức tạo hình sư tử thời Lý. Chúng ta hầu như không nhìn thấy ức ở các con sư tử ở chùa Bà Tấm hay Hương Lãng. Tượng sư tử đá chùa Phật Tích tuy có thể nhìn thấy rất rõ ức và bắp chân nhưng cũng bị bỏ qua các đặc điểm giải phẫu.

Trích đoạn tượng sư tử thời Lý
Trích đoạn tượng sư tử thời Lý trên bệ tượng Từ Đạo Hạnh, chùa Thầy, Hà Nội

Sư tử là con vật biểu tượng cho sức mạnh nên cách tạo hình phô diễn uy lực thường tránh lối hoa mỹ, kiểu sức. Tuy vậy, những khuynh hướng kiểu sức, hoa mỹ trong tạo hình sư tử lại khá phổ biến ở Thái Lan, Lào và Campuchia. Nói một cách khác đi thì tất cả các sư tử thời Lý đều có nhiều yếu tố hoa mỹ và kiểu sức gần với cách tạo hình Đông Nam Á. Cách tạo hình cho sư tử ở Trung Hoa có một điểm chung kể từ Tống, Minh, Thanh trở đi là phần trang trí kiểu sức được tập trung ở thân bệ.

Sư tử Nhật Bản
Sư tử Nhật Bản

Bờm là một đặc điểm rất ấn tượng, tạo nên vẻ dũng mãnh cho các con sư tử đực. Nhưng hầu hết các con sư tử thời Lý bờm rất mỏng, ép sát vào cơ thể và được tạo hình một cách hoa mỹ, đôi lúc cũng được thấy dựng ngược lên như của rồng. Hiện vật đầu sư tử đất nung trang trí kiến trúc trưng bầy tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bị chú thích nhầm là rồng. Các con sư tử thời Lý thường có chữ Vương trên trán - hàm ý sư tử là vua của muôn loài. Chiếc đầu sư tử này cũng có chữ Vương.

Theo PGS. Nguyễn Du Chi, trên thân của sư tử đội tòa sen ở chùa tháp Chương Sơn và chùa Lạng đều có hình hoa mai cách điệu. Còn theo TS. Nguyễn Việt, đồ án này một dạng lôi văn. Lông mày, tai, viền mép đều xuất hiện những hoa văn uốn lượn, mềm mại, có thể nói đến độ tinh tế hiếm thấy. Cách làm này rõ ràng cho thấy những ảnh hưởng đến từ Champa. Tuy vậy, vào thế kỷ thứ XI - XII, tạo hình sử tử Chàm lại khá đơn giản, ít hoa lá như những con sư tử thời Lý của người Việt.


Sư tử chùa Hương Lãng
Sư tử chùa Hương Lãng, Hưng Yên, thời Lý

Tạo hình sư tử của thời Lý cũng không giống với những con sư tử trong mỹ thuật Thái Lan, Campuchia, Champa, Trung Hoa ở cách xử lý hình khối ở phần đuôi. Tương tự như hổ báo, đuôi sư tử là một thành tố biểu hiện sức mạnh của sư tử. Cái đuôi thường dựng lên, xòe ra tua tủa, thậm chí được cách điệu để giống như một bó đuốc ngùn ngụt lửa. Không giống với những cách làm trên của các nước láng giềng phương Nam, những đuôi con sư tử thời Lý rất mềm mại, uyển chuyển, đều đặn.

Sư tử trước Thiên An Môn, Trung Quốc
Sư tử trước Thiên An Môn, Trung Quốc

Như vậy, chỉ xét riêng về ngoại hình, sư tử Việt cũng có những đặc điểm nhận dạng riêng, hoàn toàn khác biệt với sư tử Trung Hoa. Nghiên cứu hình tượng sư tử trong nghệ thuật tạo hình truyền thống cũng là góp phần ngăn chặn làn sóng xâm lăng của văn hóa ngoại lai vào các không gian tín ngưỡng cổ truyền.

Theo VOV/Báo Du Lịch

Sunday, August 17, 2014

Người đàn bà hư nhất Trung Quốc

Một cái nhìn toàn cảnh về người phụ nữ vẫn bị đóng đinh với từ "dâm phụ" trong suốt mấy trăm năm trong lịch sử Trung Quốc.

Người đàn bà hư nhất Trung Quốc

Suốt mấy trăm năm lịch sử, hình ảnh dâm phụ Phan Kim Liên luôn bị đóng đinh là mẫu người phụ nữ đáng xấu hổ nhất trong lịch sử Trung Quốc, trở thành một điển hình cho sự lẳng lơ, dâm đãng và tàn độc.

Kể từ khi được tác giả Thi Nại Am khắc họa trong truyện Thủy Hử, hình ảnh Phan Kim Liên luôn được dựng lại sống động trong các vở kịch, những tác phẩm văn học, hay được bàn tán sôi nổi bên những buổi trà dư tửu hậu của đám tao nhân mặc khách.

Phan Kim Liên là vợ lẽ thứ năm của Tây Môn Khánh, bước ra từ tiểu thuyết Kim Bình Mai, qua đó càng làm nổi bật nhiều phương diện khác về tính cách, đời sống của nhân vật này – một người đẹp thông minh lanh lợi, mỹ lệ phong lưu nhưng cũng lại là một mẫu người điển hình về sự tàn độc, thủ đoạn hiểm ác, hoang dâm vô độ...

Thân thế và xuất xứ của Phan Kim Liên
Phan Kim Liên xuất thân là một hầu gái trong nhà phú hộ ở huyện Thanh Hà (phía Đông Bắc tỉnh Hà Bắc ngày nay). Lấy họ Phan theo mẹ, từ nhỏ đã có tên Kim Liên. Hơn hai mươi tuổi, nhan sắc đã ưa nhìn. Phú hộ có ý muốn gạ gẫm, song Kim Liên nhất định không nghe, toan đi mách với vợ phú hộ. Nhân thế, lão tức giận, bèn đem Kim Liên gả không cho Võ Đại Lang - một anh chàng bán bánh bao vừa lùn vừa xấu xí.
Từ khi Võ Đại Lang lấy Kim Liên về, những kẻ nhàn rỗi ưa chơi bời quanh đấy, cứ hàng ngày đến nhà để chế giễu, làm cho Võ Đại Lang tức bực muôn phần... Thậm chí, những gã trai kia còn thường xuyên đứng trước cửa nhà Võ Đại Lang chêu trọc: Miếng thịt dê béo rơi ngay mõm chó. Võ Đại Lang nghe thấy vậy, nhưng vì bản tính nhu nhược, cảm thấy không thể sống được ở Thanh Hà, liền cùng vợ chuyển đến huyện Dương Cốc, hàng ngày ra chợ bán bánh hấp (bánh bao) như trước.

Sống ở nơi mới, cuộc sống của vợ chồng Phan Kim Liên yên ả hơn.

Về sau, Võ Tòng đến Dương Cốc ở cùng vợ chồng Võ Đại Lang, Phan Kim Liên bắt đầu nảy sinh tình cảm với Võ Tòng, nhiều lần dụ dỡ và mơn trớn chàng trai trẻ sức vóc cường tráng. Mặc dù vậy, Võ Tòng không hề bị quyến rũ trước Phan Kim Liên, thậm chí còn khuyên nhủ ả sống cho phải đạo.
Từ đó, quan hệ chị dâu em chồng trở nên căng thẳng, Võ Tòng phải chuyển đến huyện phủ nha môn sinh sống.



Cuộc đời Phan Kim Liên lại một lần nữa chìm vào những tháng ngày ủ dột. Ả thường xuyên ruồng bỏ chồng vì sự xấu xí, thô kệch. Sau nhiều lần dụ dỗ Võ Tòng không thành, ả được mụ hàng xóm Vương Bà dàn xếp để giao dâm với Tây Môn Khánh. Sự việc bại lộ khi cậu bé bán lê Vận Ca phát hiện và tố giác với Võ Đại. Vì căm phẫn và tức giận, Võ Đại đến bắt dâm mà không thành, còn bị Tây Môn đá trúng bụng, máu me lênh láng.

Võ Đại phải nằm trên giường 4, 5 hôm vẫn không dậy được, nước uống không có, mà vợ không thèm đếm xỉa đến. Cô nàng sáng nào cũng phấn sáp, quần áo là lượt đi từ sớm đến chiều. Khi về thì hai má đỏ hồng, rõ ra một tuồng dâm đãng. Võ Đại thấy vậy thì cay đắng trong lòng, mà không biết làm sao liền gọi Võ Tòng đến dọa Phan Kim Liên, hy vọng ả nhận thấy chồng đang lâm trọng bệnh. Nào ngờ, Phan Kim Liên lại cùng Tây Môn Khánh hạ độc Võ Đại Lang.

Như vậy, trong truyện Thủy Hử, Phan Kim Liên chỉ là một nhân vật phụ, là vợ anh bán bánh hấp Võ Đại Lang. Vì thông dâm với Tây Môn Khánh mà hạ độc chồng. Vụ việc sau bị phát hiện, ả và bạn tình bị Võ Tòng giết chết để báo thù cho anh. Chi tiết trên có thể tìm đọc trong hồi 24 của truyện Thủy Hử - Bày mưu gian, bợm già dỗ khách; Ham tình dục, gái đĩ giết chồng.

Còn trong truyện Kim Bình Mai về sau này lại sáng tạo thêm khi tên tuổi Phan Kim Liên lại trở thành nhân vật nữ chính, đồng thời còn là một ả đĩ thõa, dâm loạn, dục tình thiêu đốt... Đến nỗi, ả nhiều lần cho Tây Môn Khánh uống thuốc kích dụcđể ngày đêm phục vụ mình. Điều này được thể hiện rõ trong vở Xuyên kịch Phan Kim Liên của Ngụy Minh Luân, bộ phim Phan Kim Liên của đạo diễn Trương Vũ, Hồi ức Phan Kim Liên của Hà Tiểu Trúc, hay Xin chào Kim Liên của Diêm Liên Khoa...

Sắc đẹp
Trong Kim Bình Mai, vẻ đẹp của Phan Kim Liên không những khiến Tây Môn Khánh chết mê chết mệt mà ả còn khiến người cùng giới ghen tị.

Nói về vẻ đẹp và độ lẳng lơ của Phan Kim Liên, Kim Bình Mai có tả: "Tựa ngọc minh châu chạy trong đĩa thủy tinh". Thoáng nhìn qua không thốt nên lời. Thậm chí lão hòa thượng một lần bắt gặp Phan Kim Liên cũng bị ả quyến rũ cho mê muội. Ngay đến một đám hòa thượng cũng ngay tức khắc si mê đến quên cả phật tính thiền tâm, ốm người vì tương tư, điên đảo vì mê muội...



Cầm kỳ ca hát
Phan Kim Liên từ nhỏ đã có nhan sắc hơn người, lại có đôi bàn chân nhỏ bé rất xinh. Sau khi cha chết, người mẹ nghèo khổ đã bán con gái mới 9 tuổi vào phủ Vương Chiêu Tuyên. Tại đây, Kim Liên được học đàn hát và chữ nghĩa. Khi Kim Liên 13 tuổi đã tỏ ra quyền biến lanh lợi, giỏi âm nhạc, khéo trang điểm, rành nữ công gia chánh, thông thạo viết chữ, đọc được sách, cử chỉ yểu điệu, biết quyến rũ người khác...
Trong truyện cũng nhiều lần miêu tả Kim Liên chơi đàn tỳ bà mua vui cùng Tây Môn Khánh. Không ít lần ả ngồi lên đùi Tây Môn mà so giây nắn phím.

Phan Kim Liên còn là một bà nội trợ đảm, đây có lẽ là một biệt tài của ả. Trong nguyên tác Kim Bình Mai, khi Phan Kim Liên còn chưa về làm thiếp của Tây Môn Khánh, cứ mỗi lần gặp gỡ, Kim Liên đều trổ tài nấu nướng và bày những món ngon mắt trên bàn.

Không những thế, Phan Kim Liên còn rất giỏi thơ phú. Khi Tây Môn Khánh lìa đời, dâm phụ này thường tự làm thơ để bày tỏ cõi lòng. Hay thời gian cả hai còn vụng trộm, Kim Liên từng viết thơ gửi cho Tây Môn Khánh: "Ai kia đã rõ lòng ta. Giờ ta xin mượn giấy hoa tỏ lời. Trước kia như đũa có đôi. Rộn ràng kết tóc, bồi hồi trao khăn. Lòng ai giờ đã nguội dần. Thì xin trả lại tấm khăn ngày nào".

Tính xấu khác người
Nhan sắc, cầm kỳ thị họa đều giỏi, nhưng Phan Kim Liên lại là người không có tính độc lập. Ả luôn tỏ ra lười biếng, ươn hèn nên không thể tự quyết định được số mạng đời mình. Khi ở trong phủ Tây Môn Khánh, gã vốn là người có quyền lực tối thượng trong nhà, vì vậy Phan Kim Liên thường chỉ biết dựa dẫm vào gã. Cho dù người khác có xỉ nhục, phỉ báng gì thì ả cũng không thèm đếm xỉa. Dường như ả không ý thức được việc bị người khác coi thường.

Mặc dù vậy, Phan Kim Liên cũng không hề tỏ ra thua kém việc “ông ăn chả bà ăn nem” với Tây Môn Khánh. Khi biết chồng ra ngoài tằng tịu với gái, ở nhà ả liền thông dâm với thằng hầu Tiểu Tư.
Theo TTHN

Những phụ nữ thách thức thần chết

Vượt thác Niagara, huấn luyện thú dữ, lái mô tô bay, nhảy dù tập thể, khiêu vũ cùng ong là những hành động thách thức thần chết của những phụ nữ can đảm.

Chui vào thùng rồi nhảy xuống thác

Annie Edson Taylor vượt thác Niagara thành công trong thùng rượu. Ảnh: Cabinetmagazine

Annie Edson Taylor, sinh ngày 24/10/1838, là giáo viên kiêm vũ công tại thành phố Auburn, bang New York, Mỹ. Vào cuối đời, bà nung nấu ý định làm một việc gì đó thật ấn tượng để kiếm tiền và trở nên nổi tiếng. Bà quyết định nhảy tự do xuống thác Niagra trong một chiếc thùng rượu được lót đệm và đục lỗ thông khí. Ngày 24/10/1901, vào sinh nhật lần thứ 63, bà thực hiện thành công cú nhảy có một không hai trong lịch sử. Tuy nhiên, bà chỉ nổi tiếng trong thời gian ngắn. Năm 1921, Taylor qua đời trong tình trạng nghèo khổ và sau đó người ta không nhớ tới bà nữa.

Vượt thác bằng một sợi dây

Maria Spelterini vượt thác Niagara trên sợi dây. Ảnh: Nflibrary

Maria Spelterini chào đời ngày 7/7/1853 ở Italy. Ngày 8/7/1876, trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Mỹ, bà vượt thác Niagra trên một sợi dây. Bà bịt mắt trong lần vượt thác thứ hai và đeo xích trong lần thứ ba.

Debbie Lawler – “Thiên thần bay”




Debbie Lawler sinh tháng 12/1952 ở thành phố Grants Pass, bang Oregon, Mỹ. Bà là một tay đua xe máy mạo hiểm với biệt danh “thiên thần bay”. Năm 1974, Lawler phá kỷ lục lái mô tô vượt qua 16 xe tải của Evel Knievel. Bà nhanh chóng nổi tiếng khắp cả nước. Tuy nhiên, trong một lần nhảy, bà gặp tai nạn và giải nghệ. Sau đó Evel cũng lập lại kỷ lục nhưng chỉ hơn Debbie một xe.

Người phụ nữ đầu tiên huấn luyện hổ

Mabel Stark. Ảnh: Oddee

Mabel Stark (Mary Haynie) là một huấn luyện viên thú dữ sinh ngày 9/12/1889 ở bang Tennessee, Mỹ. Bà nổi tiếng qua các buổi biểu diễn xiếc hổ trong bộ đồ ôm sát màu trắng và đôi boot da cao tới gối. Thời kỳ hoàng kim của Stark bắt đầu vào những năm 1920. Bà biểu diễn tại quảng trường Madison cùng 18 chú hổ. Trong 57 năm, bà bị thương nghiêm trọng 3 lần do hổ vồ nhưng vẫn không bỏ cuộc. Sau khi đoàn xiếc Jungleland sa thải Stark, bà mắc bệnh trầm cảm và qua đời ở tuổi 79 do dùng thuốc an thần quá liều.

3 phụ nữ diễn xiếc trên cánh máy bay

Bộ ba làm xiếc trên cánh máy bay. Ảnh: Oddee

Làm xiếc trên cánh máy bay là một hành động rất nguy hiểm. Tuy nhiên, với Sarah Tanner, Danielle Hughes và Stella Guilding, bộ ba nổi tiếng của đội Breitling Wing Walker, Anh, đây là lại công việc thú vị. Họ đã thực hiện màn biểu diễn rùng rợn và đẹp mắt trên cánh của những máy bay Boeing Sterman đang nhào lộn, xoay vòng với vận tốc khoảng 241 km/h.

Lập kỷ lục thế giới bằng mô tô bay




Jolene Van Vugt, một phụ nữ nổi tiếng trong giới biểu diễn mô tô bay nghệ thuật, sinh ngày 17/9/1980 ở thành phố London, tỉnh Ontario, Canada. Cô là phụ nữ duy nhất biểu diễn trong chương trình mô tô Nitro Circus, nắm giữ một số kỷ lục thế giới và là người phụ nữ đầu tiên thực hiện thành công cú bay ngược trên mô tô. Jolene đã làm say lòng hàng triệu khán giả trên thế giới bằng bản lĩnh và tài năng của cô.

Làm viên đạn sống

Zazel trở thành phụ nữ đầu tiên làm đạn pháo sống. Ảnh: Oddee

Zazel, tên thật là Rossa Matilda Richter, là người đầu tiên mạo hiểm lấy thân làm “đạn” cho nòng pháo. Ngày 10/4/1877, khi mới 14 tuổi, Zazel đã được “bắn” ra từ nòng pháo với khoảng cách 6,1m tại thủy cung Hoàng gia London. Bà nhanh chóng nổi tiếng. Tuy nhiên, sau đó, bà hứng chịu chấn thương lưng nặng trong một lần diễn và phải giải nghệ. Những màn biểu diễn nguy hiểm tương tự đã khiến khoảng 30 người tử vong do các sự cố về lưới đỡ.

Nữ cascadeur chuyên nghiệp đầu tiên




Helen Gibson (tên khai sinh là Rose Wenger), sinh ngày 27/8/1892 ở thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ. Bà được coi là nữ diễn viên đóng thế đầu tiên trong lịch sử. Ban đầu, bà chuyên đóng thế các cảnh trên lưng ngựa tại Midwest. Màn đóng thế nổi tiếng nhất của bà là cú nhảy từ trên mái nhà xuống đoàn tàu đang chạy trong loạt phim “Những cuộc phiêu lưu của Helen”. Nghệ danh “Helen” cũng bắt nguồn từ bộ phim này. Rose đã có một sự nghiệp rực rỡ trong vòng 50 năm tại Hollywood. Năm 1962, bà nghỉ hưu ở tuổi 69.

63 phụ nữ lập kỷ lục nhảy dù




Ngày 30/11/2013, 63 phụ nữ từ 18 quốc gia đã đồng loạt nhảy dù từ máy bay tại thành phố Eloy, bang Arizona, Mỹ. Họ đã phá vỡ kỷ lục nhảy dù do 41 phụ nữ thiết lập năm 2010.

Khiêu vũ cùng ong



Nghệ sĩ Oregonian Sarah Mapelli đã phủ pheromone lên khắp cơ thể để thu hút 12.000 con ong. Sau đó cô dựa vào đường bay của ong và trình diễn điệu “nhảy ong” vô cùng đặc biệt. Dù bị ong đốt nhưng Sarah cho biết đây là cách để cô hòa nhập với thiên nhiên cũng như thể hiện bản thân một cách độc đáo nhất.

Nguyễn Sương

Sunday, August 3, 2014

Lễ hội gội đầu của người Thái trắng

Lễ hội gội đầu là lễ hội của đồng bào vùng Thái trắng thuộc vùng sông nước các huyện Quỳnh Nhai, Phù Yên, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La) tỉnh Sơn La và người Thái ở Mường Lay (tỉnh Điện Biên), Phong Thổ, Mường Tè (tỉnh Lai Châu).

 Viet Canada

Lễ hội gội đầu mở đầu các lễ trong năm, Bà Lò Thị Tanh (68 tuổi) ở bản Chẩu Quân, thị trấn Phiêng Lanh cho biết: Lễ hội gội đầu trước đây diễn ra vào chiều 30 Tết âm lịch. Bà con các bản đua nhau đánh trống, chiêng, rồi hò reo đón năm mới. Lễ hội còn tổ chức múa xoè, làm nghi lễ cúng thần sông, thần suối, kèm theo là tổ chức các trò chơi dân gian. Từ già trẻ, gái trai, mọi thành viên trong bản đều tham gia lễ hội gội đầu.

Quan niệm của người Thái, lễ gội đầu là lễ quan trọng mở đầu của các lễ hội trong năm. Bước vào năm mới mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Theo lịch Thái Mường Chiên, hết chiều 30 Tết là sang ngày mới. Nó tựa như thời khắc giao thừa vậy. Mọi nhà làm những việc cúng dỗ tổ tiên, chuẩn bị đón tết, tắm gội để được mặc quần áo mới...

 Viet Canada

Trước đây, trong lễ hội gội đầu, đàn ông (chủ nhà) mang súng kíp ra bờ sông bắn đón năm mới, nay không bắn súng mà được thay bằng thi bắn nỏ, đánh trống chiêng. Họ đem theo túi thổ cẩm nhỏ gọi là “Thung Xanh” (túi đựng bùa hộ mệnh và vật thiêng-theo quan niệm của người Thái). Để bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, người Quỳnh Nhai vẫn tổ chức lễ hội Lung Ta (lễ hội gội đầu) rất bài bản vào chiều 30 Tết hàng năm.

Trước đây khi nước sông Đà chưa ngập thành hồ, ở huyện lỵ Quỳnh Nhai (cũ) có một khu rừng được người dân gọi là Đông Nàng Han, bên cạnh có ngôi miếu cổ thờ một vị nữ tướng có công dẹp giặc phương Bắc. Nó gắn với truyền thuyết Nàng Han (nữ anh hùng).

Lễ hội cầu sức khỏe, cầu may
Ngay từ sáng sớm, bên cây cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà có trụ cao nhất Việt Nam, hàng ngàn bà con các xã vùng ven hồ thuộc huyện Quỳnh Nhai đã đến xem, cổ vũ.

Việc tổ chức phục dựng Lễ hội gội đầu là để đáp ứng mong muốn của người dân, đồng thời để bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá các dân tộc khi bà con phải rời quê đến nơi ở mới, nhường sông Đà để làm hồ thuỷ điện Sơn La.

Trong phần lễ, ông thầy mo hoặc ông trưởng họ thông báo với dân bản rằng: Năm mới sắp đến, bà con dân bản hãy xuống sông gội đầu. Theo đó, già trẻ, gái trai, là nam thanh nữ tú khiêng trống, chiêng vừa đi vừa khua đi trước, mọi người theo sau xuống bến. Trong chậu nước gội đầu, người ta đun nước sôi (hoặc nước ấm) pha lẫn nước bồ kết, nước vắt từ vỏ cây xo xe (cây rừng), có cả những cánh hoa rừng, hoa đào, hoa mận để lấy hương thơm...Đàn ông thì khoác súng kíp, đeo túi thổ cẩm trong có đựng bảo bối gọi là “thung xanh”. “Bảo bối” thực ra chỉ là móng vuốt hổ, vuốt gấu, đoạn sừng tê giác, châu ngọc hoặc có thể chỉ là của hồi môn như nhẫn vàng, vòng bạc...




Ông thầy mo chủ trì với bài khấn, trong đó có đoạn kể về công lao của Nàng Han, một vị nữ tướng, con gái của một tộc trưởng đóng giả trai tập hợp binh mã, cầm quân đánh đuổi giặc ngoại xâm, đuổi đến tận bờ cõi Mường Xo (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bây giờ) thì giặc tan. Dẹp xong giặc cũng là 30 Tết âm lịch. Buổi chiều ngày đó, Nàng Han ban lệnh cho quân sĩ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Từ đó đến nay người Thái vùng sông nước Quỳnh Nhai, Phù Yên (Sơn La), Mường Lay, Mường Xo, Mường Tè (thuộc 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu) vẫn còn lưu lại phong tục này, đó là lễ Lung Ta (xuống bến nước làm lễ gội đầu). Sau khi gội đầu xong, tất cả mọi người đều tham gia các hoạt động như ném còn, tó má lẹ, múa xoè cùng các trò chơi dân gian khác.

Mọi người từ bến về đến nhà bắt đầu chuẩn bị cúng giỗ tổ tiên. Đàn ông là người trụ cột trong gia đình mới bắt đầu được đến bàn thờ tổ tiên gọi là “nả hóng” để quét dọn sạch sẽ, thay bát hương, sắp xếp lại những thứ trên bàn thờ và cúng tổ tiên, đón năm mới tại gia đình.

Theo Du lịch, GO!

Saturday, August 2, 2014

Người chuyên ăn... côn trùng trên đảo Lý Sơn

Gần 30 năm qua, ông Ngô Văn Tùy, 55 tuổi ngụ tại huyện đảo Lý Sơn vẫn có thói quen bắt và ăn côn trùng sống mọi lúc, mọi nơi. Khả năng ăn côn trùng sống của ông khiến không ít người kinh sợ, và nhiều lúc ông còn gặp phải những câu chuyện dở khóc dở cười.

Chúng tôi đến Lý Sơn, Quảng Ngãi vào một ngày trời nắng nhẹ. Sau một hồi dò hỏi, chúng tôi cũng tìm được nhà ông Ngô Văn Tùy – người vốn bị gọi là “quái nhân” bởi thói quen ăn côn trùng sống của mình. Ông Tùy sinh năm 1959, ngụ thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Do có quá nhiều người phương xa tò mò về khả năng kỳ dị này nên ông Tùy tỏ ra rất ngại tiếp xúc với khách lạ. Chúng tôi phải trưng cả giấy giới thiệu của cơ quan, và gọi điện cho người quen tại huyện đảo Lý Sơn ông mới yên tâm mà bắt đầu kể về khả năng của mình.

Ông Tùy khoe mình có hàm răng rất bén, có thể cắn đôi con rắn sống.

Ông Tùy tâm sự: "Mới đầu, người ta thấy tui ăn côn trùng sống, rồi báo chí tới đưa tin về tui, thiên hạ cứ đồn rằng tui chơi trội, chơi nổi không à. Thiệt ra, đâu phải vậy, chắc khả năng của tui là do bẩm sinh rồi. Thấy con gì ăn sống được là tui bắt ăn luôn, không phải luyện tập gì hết á, người ta nói tui "gồng" để chơi nổi, tội nghiệp tui".

Ông Ngô Văn Tùy không những ăn được côn trùng mà ông còn nhai ngon lành các loài bò sát nhỏ như rắn, rết, dong .v.v. Gần 30 năm qua, ông Tùy đã ăn sống bao nhiêu loài bò sát, côn trùng, ông cũng không còn nhớ nữa. Ông chỉ nhớ lần đầu tiên “nhấm nháp” một con vật sống là vào khoảng năm 1985, khi ông vẫn còn là lính của Tiểu đoàn 103, đóng quân tại đảo Lý Sơn. Trong một phiên gác, đang lúc không biết làm gì, bỗng ông Tùy thấy một con sâu lá bò trước mặt. Ý nghĩ tinh nghịch của chàng lính trẻ bùng lên, ông Tùy bắt con sâu bỏ vào miệng định bụng … “coi thử có ngon không”. Thấy ăn được, nên từ đó ông Tùy bắt đầu khám phá khả năng của bản thân bằng cách ăn sống bất cứ con vật gì ông cảm thấy có thể nhai sống được. Từ ong, bướm, nhện, bọ hung, ông chuyển sang thử rắn mối, dong, thằn lằn… Kể cả những con vật có độc cũng không làm ông nao núng.

Ông Tùy kể lại: “Loài gì cũng ăn qua, tự nhiên lại càng có cảm giác muốn thử những con mới. Những loài mà có chất độc không hiểu sao lại khiến tui có hứng thú. Vậy là một hôm tui tìm bắt một con sâu nái để ăn thử coi sao. Loài sâu nái này lông nó độc lắm, ai lỡ đụng vô là dị ứng, ngứa dữ thần. Nhưng mà không hiểu sao tui bắt rồi bỏ vô miệng nhai, thấy nó tê tê đầu lưỡi chút xíu sau là hết chứ không có ngứa gì. Từ đó, tui nảy ra ý định ăn thêm mấy loài độc độc nữa coi sao”. Theo ông Tùy, thì ông có thể ăn được cả con cuốn chiếu, một loại được liệt vào hàng có độc tố. Cả cóc và rắn chưa lấy nọc ông cũng đã từng thử qua. Có lần, ông Tùy đang đi dự tiệc, bỗng có người khích ông biểu diễn ăn thử mấy con có độc để chứng tỏ. Sẵn có chút hơi men, ông Tùy không ngần ngại bước ra ngoài, ông tìm được 1 cái hang rắn, ngay lập tức ông luồn tay vào hang, lôi ra được một con rắn.

Người trong đám tiệc đều nhao nhao xung quanh ông Tùy. Ông Tùy giơ con rắn lên, bụng nó to bất thường bởi mới nuốt một con cóc. Ông đưa tay kéo mạnh, tức thì con rắn ọc con cóc ra tay ông, ông cầm con cóc nuốt ngay trước mặt mọi người. Xong con cóc, ông “thịt” luôn con rắn khiến khách khứa thấy … ghê, hết muốn dùng tiệc.

Kể đến đây, sợ chúng tôi không tin, ông liền kêu vợ lên nhà, rồi bảo bà sang nhà hàng xóm kêu mấy người thanh niên đã từng chứng kiến ông Tùy nuốt cóc đến làm chứng. Trong da cóc vốn có chất độc chết người, nếu không làm kỹ mà dùng thịt cóc sẽ xảy ra ngộ độc như chơi. Vậy mà người đàn ông này có thể nuốt sống một con cóc ngon lành mà không mảy may gì thì quả là chuyện lạ. Nhưng thật ra việc này cũng có thể giải thích được, thông thường, khi cơ thể con người tiếp xúc với chất độc một lượng nhỏ sẽ tạo ra cơ chế thích nghi, quen dần và có thể tiếp nhận một liều lượng độc tố lớn dần lên.

Khi được hỏi, không lẽ ông không sợ nguy hiểm khi dám nuốt sống những con vật có độc thì ông Tùy chỉ cười, rồi nói: “Không biết nữa, khi tui thích ăn con vật gì, cảm thấy muốn ăn con nào là tui lại tự tin rằng độc tố của nó không ảnh hưởng nhiều đến mình. Như linh tính mách bảo vậy đó, chớ bản thân tui cũng hổng biết tại sao?”.

Ông Tùy kể, tuy khả năng này của bản thân khiến ông thích thú, nhưng nhiều khi nó cũng gây ra cho ông ít nhiều phiền toái. Bắt đầu từ những cơn thèm ăn bất chợt. Lúc chưa nổi danh khắp vùng, ông biết mình khác người, nên chỉ dám “lén lén” tìm chỗ vắng rồi nhấm nháp sự vui thú một mình.

Nguoi chuyen an con trung tren dao Ly Son

Nhưng có lần ông đang cuốc đất vun lại mấy sào dưa nhà mình. Bỗng thấy giun đất lúc nhúc bò ra, tự nhiên ông thấy thèm ăn chúng đến lạ. Ông Tùy liền bỏ cuốc, lượm giun đất phủi hết cát rồi ngồi ăn ngon lành. Báo hại vợ và các con ông cứ tưởng ông bị tâm thần, cứ năn nỉ kêu khóc ông bỏ đi cái “tật xấu” ấy. Nguoi chuyen an con trung tren dao Ly Son Ông Tùy vừa nuốt trọn con rắn mối bắt được trên đường đi Ông Tùy tâm sự: “Tui hỏi cô chú chớ đến người nhà còn hiểu lầm thì biểu sao mà làng xóm họ không nghĩ tui điên. Dạo đó họ đồn tui điên dữ lắm, tại thấy tui cả ngày ăn bướm với sâu không mà. Lúc đầu tui mệt mỏi, bực dọc lắm, nhưng riết rồi họ cũng hiểu ra”.

Tưởng như vậy là đã sống yên với sở thích khác người của mình, nào ngờ, ông Tùy còn vướng phải nhiều phiền toái khác. Ví như trong các đám tiệc, hội họp, khách khứa có chút hơi men thường khiêu khích ông biểu diễn ăn côn trùng, bò sát. Ông Tùy tâm sự: “Trong khi, tui ăn chỉ vì … thích thế, chứ không muốn gây sự chú ý, hay nhiều khi trở thành thú tiêu khiển của người ta. Tôi mà không biểu diễn thì họ dè bĩu, khích tướng, mệt mỏi lắm”. Ông Tùy phải chịu đựng áp lực từ gia đình, lẫn xóm làng như thế trong một khoảng thời gian rất dài thì người ta mới dần dần quen với sở thích của ông.

Tuy thói quen ăn uống có thể gọi là hơi phản khoa học, nhưng ông Tùy vẫn khỏe mạnh bình thường, thậm chí còn dẻo dai, sinh lực tràn trề dù đã qua tuổi trung niên. Chính vì thế, nên ông được chọn làm trưởng đội đua thuyền của huyện đảo Lý Sơn. Ông Tùy khoe: “Tính ra thì răng tui cũng bén, tui nhai sống mấy con đó ngon ơ à. Tui quái quái vậy thôi, chớ cũng cho con ăn học ngon lành à. Hai đứa con gái đầu của tui tốt nghiệp đại học đi làm hết rồi, đứa kế cũng đang học đại học ở Sài Gòn đó”.

Ông Tùy cho biết, gần 30 năm qua, ông đã nhai sống trong khoảng 400 loài côn trùng, bò sát, động vật nhỏ. Ông cười nói vui: “400 là tại có những con tui ăn mà không biết con gì đó, chớ tính bướm không cũng hơn 30 loài rồi, sâu cũng nhiều vô kể. Ở cái huyện đảo này, gặp con gì thèm thèm là tui “dzớt” con đó à”, nói rồi, ông vỗ đùi cười sảng khoái. Giờ đây, người dân thôn Tây, ở huyện đảo nắng gió khắc nghiệt này đã quen dần với người đàn ông đang đi trên đường bỗng nhiên chụp con bướm, con rít, con thằn lằn, … rồi nuốt trọn. Họ cũng không còn nhìn ông với ánh mắt lấm lét, nghi kị nữa, mà trái lại còn nể phục và tán thưởng khả năng kì dị của người đàn ông này.

Việt Báo